Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vừa được trao giải thưởng Ramon Magsaysay, được coi như Nobel châu Á. Bà là một trong năm chủ nhân của mùa giải năm 2024. Giải thưởng danh giá này dành cho Bà với tư cách là một nhà khoa học có nhiều cống hiến cho xã hội qua hành trình gần 50 năm đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin
Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng sinh năm 1944, tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà được biết đến với trong vai trò một bác sỹ có nhiều thành tựu đã cống hiến cho nền y khoa nước nhà; Bà chính là người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, trở thành “bà tiên” mang giấc mơ hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn. Tuy nhiên, giải thưởng Ramon Magsaysay danh giá dành cho Bà với tư cách là một nhà khoa học có nhiều cống hiến cho xã hội qua hành trình gần 50 năm đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin.
Bà Cecilia L. Lazaro và ông Ramon B. Magsaysay Jr. trao giải thưởng Ramon Magsaysay cho giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng
(Ảnh: T.T.D)
Tối 16-11, giải thưởng Ramon Magsaysay lần thứ 66 đã được trao cho các cá nhân, tập thể tại Nhà hát Metropolitan ở thủ đô Manila, Philippines. Bà Cecilia L. Lazaro, chủ tịch hội đồng quản trị giải thưởng Ramon Magsaysay, phát biểu tôn vinh các cá nhân nhận giải thưởng năm nay.
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được trao giải 'Nobel châu Á'
(Từ phải qua: Ông Kenichi Yoda (đại diện cho họa sĩ Miyazaki Hayao, Nhật Bản), giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nhóm 4 nam bác sĩ Rural Doctor Movement (Thái Lan), ông Karma Phuntsho (Bhutan) và bà Farwiza Farhan (Indonesia) trong lễ trao giải tối 16-11 - Ảnh: T.T.D.)
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong năm nhân vật được giải thưởng năm nay. Bà được vinh danh vì những đóng góp cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật sự tàn phá của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe con người. Qua đó, vận động công lý đòi công bằng cho các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Bắt đầu từ năm 2008, với tư cách là một nhà khoa học và Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nhiều lần tham gia các phiên điều trần về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam của Hạ viện Hoa Kỳ.
Tại đây, bà đã kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ, các công ty hóa chất cần phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Sau những phiên điều trần trực tiếp, các bên liên quan phía Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác để cải tạo môi trường, khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra tại Việt Nam. Song song đó, bà nỗ lực mang những hình ảnh về các thai nhi dị tật, đứa trẻ tật nguyền đi đến nhiều nước trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Cuối tháng 8/2024, sau khi nhận được thông báo từ Ban Tổ chức Giải thưởng Ramon Magsaysay, Giáo sư Phượng thật sự bất ngờ: “Lúc này, tôi nhớ đến những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tôi nhớ những tháng ngày cùng đồng nghiệp miệt mài tìm kiếm bằng chứng về hậu quả của chất độc dioxin tại Việt Nam. Chặng đường gần 50 năm ấy thực sự rất gian nan và bây giờ tôi rất vui vì một lần nữa được quốc tế công nhận.”
Bà tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng ta có thể chưa thành công về mặt pháp lý, nhưng chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, của những người yêu hòa bình và chúng ta sẽ không bỏ cuộc.”
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng trao đổi trong buổi đối thoại với các nhà lãnh đạo trẻ và sinh viên các trường đại học ở Philippines - Ảnh: T.T.D.
Được biết, sau khi nhận giải, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã chuyển giao tất cả số tiền thưởng (khoảng 50.000 USD) cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhằm giúp đỡ cho các nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam có cuộc sống tốt hơn.
(Nguồn: Tổng hợp)
Cổng 1400